Tiểu sử Giáo_hoàng_Gioan_Phaolô_II

Thời thơ ấu

Emilia và Karol Wojtyła trong ngày cướiNgôi nhà Wojtyła ở WadowiceHành lang bên trong của ngôi nhà

Karol Józef Wojtyła sinh vào ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, cách Kraków 50 cây số. Là con út trong một gia đình có ba người con, cô chị chết từ khi còn nhỏ. Cha ông là Karol Wojtyla một cựu sĩ quan trong quân đội Habsburg và mẹ là Emilia Kaczorowka. Bà là con của một viên chức chính phủ và chính bà là người đã truyền lại lòng đạo đức sâu sắc cho ông[25].Theo lời kể của Giáo hoàng thì chính mẹ ông "là người đã tạo ra món quà tôn giáo kỳ diệu cho gia đình Wojtyla". Ngay từ đầu, bà đã muốn Karol trở thành một tu sĩ. Bà thường nói với những người hàng xóm: "Lolek (một cách gọi Karol) của tôi sẽ trở thành một người vĩ đại"[26]

Trong trường tiểu học dành cho trẻ em trai ở Wadowice, ông tỏ ra là một học sinh xuất sắc. Trong phiếu báo điểm đầu tiên, cậu được các điểm "rất tốt" về tôn giáo, hành vẽ, vẽ, hát, trò chơi, thể dục và "tốt" trong tất cả các môn còn lại. Ông rất thích thể thao, là thủ môn cho đội tuyển nhà trường. Ông được rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi, được lãnh bí tích thêm sức lúc 17 tuổi. Mẹ ông qua đời ngày 13 tháng 4 năm 1929, lúc ông mới 9 tuổi. Giấy chứng tử của bà ghi bà bị sung huyết tim và thận.[27].

Ở tuổi 11, Karol vào học trường trung học dành cho nam sinh của Wadowice. Cũng trong năm đó, ông trở thành một chú bé phụ lễ và có mối quan hệ gần gũi với linh mục Kazimiers Figlewicz. Ngày 5 tháng 12 năm 1932 anh ông là Edmund qua đời khi đang chăm sóc những người bị bệnh dịch. Sau này, trong một giây phút giãi bày tâm sự hiếm hoi, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kể lại với tác giả người Pháp André Frossard: "cái chết của anh tôi có thể đã tác động tới tôi sâu sắc hơn cái chết của mẹ, do những hoàn cảnh riêng biệt, tất nhiên là đau thương và do tôi đã lớn hơn"[28].

Trong thời gian này ông cũng đã đến với sân khấu. Nhiều trong số các vở kịch được diễn trên sân khấu của trường trung học là do Karol Wojtyla đạo diễn. Những vở kịch này thường đề cập tới những chủ đề yêu nước[29]. Karol cũng thích khiêu vũ, ông có thể khiêu vũ thoải mái với các điệu pôlône, maduka, van, tănggô. Vào cuối những năm trung học, ông đã quen biết với Mieczyslaw Kotlarczyk - một nhà trí thức, người đã sáng lập Nhà hát Đại học nghiệp dư ở Wadowice. Ngày 6 tháng 5 năm 1938, tổng Giám mục địa phận Kraków, Adam Sapieha đến Wadowice để chủ tọa buổi lễ xác nhận trước khi tốt nghiệp. Ấn tượng trước cậu học sinh Karol, Giám mục đã hỏi cậu sẽ vào trường dòng chứ? Những Karol đã trả lời rằng: "con sẽ nghiên cứu văn học Ba Lan và triết học"[30].

Sau khi học xong trung học tại Wadowice, Cha ông đưa ông đến Kraków vào tháng 8 năm 1938 khi ông 18 tuổi. Ở đó ông ghi danh vào Đại học Kraków giống như ông anh Edmund. Karol Wojtyła nhanh chóng thích ứng với 1 chương trình rất nặng tại trường đại học bao gồm các môn: từ vựng và ngữ âm Ba Lan, Văn học trung cổ Ba Lan, Kịch Ba Lan thế kỷ XVIII và thi ca đương đại. Ông đã trở thành một sinh viên triết lý và văn chương rất xuất sắc, vừa đồng thời theo học thêm ngành kịch nghệ. Wojtyła nhanh chóng kết bạn với một loạt các thi sĩ và kịch gia. Ông thường lui tới ngôi nhà của gia đình Szkoci - một nhà âm nhạc cừ khôi[31].

Ông được huấn luyện quân sự ở Hermanice năm 1935. Vào tháng 7 năm 1939, các sinh viên Ba Lan và Ukraine phải vào trung tâm huấn luyện quân sự ở Ozomla, gần Sadowa Wiszna[32]. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 khi Đức tấn công Ba Lan mở màn cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hai cha con Wojtyła quyết định rời khỏi Kraków. Hai người cuốc bộ đi về phía đông tới vùng núi Tarmobrzeg, cách Kraków 120 dặm thì nhận được tin Nga chuẩn bị xâm nhập phía đông Ba Lan. Hai cha con quyết định quay trở lại Kraków [33].

Vào mùa Đông năm 1939, Tyranowski đã mời ông tham gia tổ chức Living Rosary - một tổ chức hoạt động tôn giáo rất bí mật. Wojtyła gặp Tyranowski một tuần một lần. Dưới sự chỉ đạo của Tyranowski, ông lao vào những thực hành huyền bí [34]. Wojtyła đã học cách điều chỉnh cuộc sống hàng ngày một cách chính xác cho công việc cũng như cho các hoạt động tôn giáo của mình. Chính cách làm việc này đã ảnh hưởng rất nhiều tới ông sau này. Trong thời gian này, ông cũng viết cùng một lúc ba vở kịch: David, Job và Jeremiah bảy tỏ những suy nghĩ, tính huyền bí của sự hi sinh và sự khát khao về một sự giải phóng dân tộc mới [35].

Bất kỳ ai không có một việc làm thường xuyên được nhà chức trách Đức xác nhận đều có nguy cơ bị đưa sang Đức. Chính vì lý do đó, tháng 10 năm 1940 ông đã làm việc lao động chân tay trong một nhà máy hóa học ở Solvay ở ngoại ô Kraków. Đây là những kinh nghiệm cho những quan điểm và thái độ với phong trào công nhân và nhân dân lao động sau này. Ông chỉ phải lao động nặng trong vài tháng còn sau đó đã chuyển sang lao động nhẹ hơn. Thậm chí có thể kiếm được một chân văn phòng thế nhưng để đảm bảo an toàn và không gây chú ý ông đã từ chối [36].

Ngày 18 tháng 2 năm 1941, cha ông Wojtyla sau một trận ốm nặng đã qua đời. Sau khi những nghi thức cuối cùng dành cho người qua đời đã được cử hành, ông đã thức suốt đêm để canh thi hài cho cha và suy nghĩ về tương lai và nghề nghiệp của mình. Ông đã nói với tác giả André Frossard: "ở tuổi 20, tôi đã mất tất cả những người mà tôi yêu quý, và thậm chí cả những người mà có thể tôi đã yêu quý". Đầu năm 1941, theo lời giới thiệu của vị giáo sư tiếng Pháp cũ của ông, các quản đốc ở Solvay trao cho ông công việc kế toán ở mỏ đá và theo dõi số chất nổ được dùng để phá đá.

Lúc nhỏ tuổi ông có tiếp xúc nhiều lần với nhóm người Do Thái tại Kraków. Trong thời Đức quốc xã chiếm Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều bạn bè Do thái của Karol Józef Wojtyła đã bị giết hay bị trục xuất. Tuy nhiên thái độ của Wojtyla với những hành động này là "cầu nguyện". Ông nói rằng: "Hãy nhớ rằng, chúng ta có bổn phận cầu chúa ban cho họ đủ sức mạnh chịu đựng tất cả những thứ này" [37]. Ông không bao giờ tham gia vào bất kỳ một sự kháng cự nào chống lại Đức quốc xã hay vào những hoạt động nhằm giải cứu người Do Thái.[38].

Trong những lúc rảnh rỗi, ông đã dành thời gian say mê điện ảnh. Cùng với những người bạn trong đó có Mieczyslaw Katlarczyk, ông đã sáng lập nên nhà hát Rhapsodic, tiền thân của đoàn kịch nghệ quốc gia Ba Lan. Nhưng họ phải hoạt động một cách bí mật vì nếu bị lính Đức quốc xã phát hiện họ sẽ có thể bị giết hay trục xuất. Mặc dù vậy trong khoảng thời gian từ 1941 - 1945, nhà hát đã trình diễn được 22 buổi và Wojtyła đã tỏ ra là một diễn viên xuất sắc[39].

Tu sĩ

Năm 1941, sau khi cha ông qua đời, Karol đã dấn sâu hơn vào việc tái hiện sự huyền bí và triết học. Tại nhà Kydrynskis-một người bạn, nơi ông đã dọn đến và ở trong sáu tháng, người ta thường thấy ông nằm xoài ra sàn nhà cầu nguyện, tay dang ngang như hình thánh giá.[40].

Vào mùa thu năm 1942, sau một cuộc thảo luận dài với cha giải tội Figlewicz, Wojtyla đến nhà riêng tổng Giám mục Sapieha và trình bày ước nguyện trở thành tu sĩ với vị Giám mục. Trước đó, ông đã tới tu viện khổ hạnh dòng Carmeline ở Czerna với hy vọng được vào đây nhưng tu viện này đã bị quốc xã đóng cửa[41]. Mặc dù những người bạn đã cố gắng thuyết phục ông đừng rời bỏ sự nghiệp sân khấu, nhưng ông vẫn quyết định theo con đường mình đã chọn.

Ông bắt đầu lén lút học những môn của Chủng viện Kraków, do Hồng y Adam Stefan Sapieha, lúc đó là Tổng Giám mục Kraków, điều khiển[42]. Mỗi người được trao cho một vị giáo sư. Các lớp học được tổ chức ở nhà tu, nhà thờ và ở nhà riêng. Những chủng sinh này được yêu cầu không để những người quen biết về việc học tập của họ và bản thân những người này vẫn duy trì một nếp sống bên ngoài như bình thường. Trong thời gian này, ông đã đọc cuốn: Luận về sự hiến dâng hoàn toàn cho Đức mẹ đồng trinh của St Louis Grignion de Montfort, Lý thuyết tự nhiên của Kazimierz Wars. Ngày 6 tháng 8 năm 1944, "Ngày Chủ Nhật đen" hơn 8000 người đàn ông và các cậu bé đã bị quân đội phát xít bắt giam, rất may mắn Wojtyla đã không nằm trong số đó. Sau sự kiện này, ông vào ẩn trú trong dinh tổng Giám mục và không tiếp tục làm việc tại Solvay nữa. Ngày 13 tháng 11, ông chịu lễ xuống tóc - một nghi lễ từ thời trung cổ để biểu tượng hóa sự khuất phục trước Chúa.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Karol Wojtyla trở về phân khoa Thần học của Ðại học Jagiellonia vừa được mở cửa lại. Tại đây, ông đã được bầu làm phó chủ tịch hội sinh viên. Trong thời gian này, ông đã tập trung vào việc hoàn tất các chương trình nghiên cứu của năm 3 và năm 4. Từ tháng 4 năm 1945 cho tới tháng 8 năm 1946, ông cũng làm việc ở cương vị phụ giáo.

Karol Wojtyla cũng đệ đơn xin gia nhập tu viện Czera của dòng Carmelite đã được mở của trở lại. Tuy nhiên, tổng Giám mục Sapieha đã kiên quyết từ chối việc cho phép Wojtyla gia nhập dòng tu. Sau này, ông còn cố thử gia nhập dòng này một lần nữa vào năm 1948 nhưng vẫn bị vị tổng Giám mục từ chối[43].

Linh mục

Ðại học của các linh mục Dòng Ða Minh (Angelicum) ở Roma.Linh mục Karol Wojtyla với các sinh viên Florian

Karol Wojtyła được thụ phong linh mục vào dịp Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11 năm 1946 sớm hơn sáu tháng so với các chủng sinh đồng khóa. Ngày hôm sau, tại nhà lớn Wawel, Karol đã cử hành thánh lễ đầu tiên. Sau đó không lâu, hồng y Sapieha gửi linh mục Karol Wojtyla đi du học Roma, tại Ðại học của các linh mục Dòng Ða Minh Angelicum. Dưới sự hướng dẫn của linh mục dòng Ða Minh nổi tiếng là Garrigou - Lagrange, Karol hoàn thành luận án tiến sĩ thần học về đề tài Ðức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh giá vào năm 1948. Trong các kỳ nghỉ hè trong thời gian du học tại Roma, Karol thi hành mục vụ nơi các người Ba Lan di dân sống bên Pháp, Hà LanBỉ[42].

Linh mục Karol Wojtyła tại Niegowić, Ba Lan, 1948

Sau khi hoàn tất học trình tiến sĩ trong thời gian du học ở Roma, tháng 7 năm 1948, Karol Wojtyla được hồng y Sapieha bổ nhiệm làm linh mục phụ tá Niegowic, một giáo xứ hẻo lánh thuộc vùng quê Galicia, cách Kraków 30 dặm[44].Mỗi buổi sáng, Wojtyla thức giấc lúc 5 giờ, dâng Thánh Lễ, điểm tâm rồi dùng xe ngựa di chuyển một vòng qua các khu trong giáo xứ, hướng dẫn giáo lý cho thiếu nhi và cử hành Thánh Lễ tại một khu xóm. Sau đó, ông trở về nhà xứ ăn trưa, tiếp khách hoặc đi thăm viếng giáo dân. Những buổi chiều hoặc những cuối tuần rảnh rỗi ông còn tự mình phụ giúp giáo dân địa phương những công việc lao động trong nhà [44].

Cũng trong thời gian làm phó xứ Niegowic, linh mục Wojtyla đã cống hiến nhiều thì giờ cho giới trẻ tại đây. Ông hướng dẫn họ trình diễn trên sân khấu, giúp họ học thêm để bồi bổ kiến thức, tổ chức những buổi cắm trại trong rừng hoặc những chuyến du ngoạn trong các khu lân cận thuộc giáo phận Krakow, thành lập các đội bóng chuyền và bóng đá cho thanh thiếu niên trong vùng[44].

Tháng 3 năm 1949, hồng y Sapieha thuyên chuyển ông về làm việc tại một trường của Ðại học Kraków thuộc giáo xứ Saint Florian. Ông tiếp tục trau dồi triết và thần học tại Ðại học Công giáo Lublin. Tại đây, ông có cơ hội tìm hiểu thêm về giới trẻ, đồng thời khai triển những phương pháp mục vụ trong khi tiếp xúc với đời sống văn hóa cùng các thức giả tại tổng giáo phận Kraków. Cũng tại nơi đây, Linh mục Wojtyla còn có dịp tiếp tục triển khai những kiến thức về văn chương và triết học của mình.

Ông thường đưa những sinh viên đi cắm trại và du ngoại ngoài trời để hòa mình vào thiên nhiên[44]. Chính nhờ những sinh hoạt với giới sinh viên trong thời gian ở Saint Florian, mà sau này khi được cử làm Giám mục Phụ Tá Giáo phận Krakow, linh mục Wojtyla đã hoàn tất những tác phẩm nói lên mối liên hệ phái tính theo tinh thần Kitô giáo mà tiêu biểu là: The Jeweler’s Shop (Tiệm Nữ Trang), Love And Responsibility (Tình Yêu Và Trách Nhiệm).

Năm 1953, ông trình bày một luận án với đề tài "Thẩm định khả thể xây dựng nền luân lý Công giáo trên hệ thống luân lý của Max Scheler" tại Ðại học Lublin. Sau đó, ông trở thành giáo sư thần học luân lý và luân lý xã hội tại Ðại chủng viện Kraków và tại phân khoa thần học của Ðại học Công giáo Lublin[42].

Tháng 10 năm 1954, phân khoa Thần học tại Đại học Jagiellonian, nơi ông đang giảng dạy môn luân lý Kitô giáo, bị đóng cửa. Lúc ấy Linh mục Karol Wojtyla thường cùng một nhóm giáo sư bí mật gặp gỡ để trao đổi quan điểm về mối liên hệ giữa nhà nước và Giáo hội[44].

Giám mục

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1958 ông được Giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá giáo phận Kraków. Nửa giờ sau cuộc gặp với Hồng y Wyszynski và nhận sự đề cử làm Giám mục phụ tá, vị linh mục trẻ tìm tới tu viện của các nữ tu áo xám Ursuline bên bờ sông Vistula. Ông đã cầu nguyện liên tục suốt trong 8 tiếng đồng hồ liên tiếp trước khi rời tu viện Ursuline.[45]

Ngày 28 tháng 9 năm 1958, ông được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ lớn Wawel ở Kraków, 11 ngày trước khi Giáo hoàng Piô XII qua đời. Một tháng sau, Giáo hoàng Gioan XXIII lên kế vị, mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo hội Công giáo qua quyết định triệu tập Công đồng Vatican II. Vị tân Giám mục 38 tuổi nhận được giấy mời tham dự công đồng[44].

Tại đây, ông đã có sự đóng góp tích cực và hữu hiệu vào chương trình của công đồng với bảy diễn từ đọc trước các nghị phụ tham dự Công đồng và với 13 tuyên ngôn, Giám mục Karol Wojtyla đã gây được một ấn tượng sâu sắc đối với hầu hết các thành phần tham dự Công đồng. Đặc biệt là của Giáo hoàng Gioan XXIII, và nhất là Giáo hoàng Phaolô VI sau đó[44].

Vào ngày 30 tháng 12 năm 1963, Giáo hoàng Phaolô VI đề bạt ông làm Tổng Giám mục Kraków. Trong cương vị tổng Giám mục, ông tham dự Công đồng Vatican II, góp công soạn thảo các tài liệu Tuyên ngôn về tự do tôn giáo (Dignitatis Humanae) và Hiến chế Mục Vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng), hai văn bản có tính cách lịch sử và quan trọng nhất của Công đồng này.

Tháng 5 năm 1964, Wojtyla đã đệ trình đoàn chủ tịch công đồng 1 văn bản được soạn thảo nhân danh các Giám mục Ba Lan tuyên bố rằng: mối quan hệ của Giáo hội với thế giới hiện đại phải được dựa trên khái niệm coi Giáo hội là một xã hội hoàn thiện do Chúa sáng lập và ở bên trên lịch sử. Ngày 30 tháng 11 năm 1964, ông đã có cuộc nói chuyện riêng đầu tiên với Giáo hoàng Phaolô VI, người đã theo dõi chặt chẽ các phát biểu của người Giám mục mới này.

Trong thời gian này, nhà cầm quyền Ba Lan đã cho rằng Wojtyla là một người dễ có những thỏa hiệp với nhà nước hơn là Hồng y Wyszynski. Chính quyền đã gợi ý để Wyszynski lựa chọn Wojtyla vào ghế tổng Giám mục chứ không phải là một người khác. Niềm tin về Wojtyla của họ có thể thấy trong một báo cáo mật năm 1967 của cảnh sát Ba Lan: "Có thể yên tâm nói rằng ông ta (Wojtyla) là một trong số ít những trí thức trong đoàn Giám mục Ba Lan. Không giống như Wyszynski, ông ta đã khéo léo dung hòa lòng mộ đạo truyền thống của dân chúng với Công giáo trí thức, mà cả hai đều được ông ta đánh giá cao...Cho đến nay, ông ta chưa tham gia vào các hoạt động chính trị chống nhà nước một cách công khai. Có vẻ như là các vấn đề chính trị không phù hợp với ông ta; ông ta bị trí thức hóa quá mức". [46]

Hồng y

Trong năm 1967 Giáo hoàng Phaolô VI phong ông làm hồng y. Ông cũng đồng thời được bổ nhiệm vào bốn thánh bộ của Vatican: bộ giáo sĩ, thánh bộ Giáo dục công giáo, thánh bộ nghi lễ, bộ các giáo hội Đông Phương và làm cố vấn cho hội đồng về thế tục.

Vào mùa Giáng sinh năm 1970, khi tình hình Ba Lan căng thẳng, giá thực phẩm leo thang, trong bài thuyết giảng nhân lễ Giáng sinh tại Kraków năm ấy, ông nói: "Khi người dân bị thương tích và khổ đau, Giáo hội phải lên tiếng bênh đỡ không vì bất cứ khuynh hướng chính trị nào mà chỉ vì tình yêu và tình liên đới của người con Thiên Chúa"[44].

Thời gian này ông cũng làm việc với nhóm tín hữu trí thức dấn thân có tên là Odrodzenie (Tái Sinh), tổ chức Công giáo đấu tranh duy nhất đặt dưới sự bảo trợ của Hồng y Wyszynski. Ông cũng có những cuộc gặp gỡ giới trí thức để cùng nhau trao đổi quan điểm. Tại tư dinh, ông không chỉ gặp gỡ các chủ biên của tờ Tygodnik Powszechny mà còn tiếp xúc với các sử gia, các nhà toán học, các khoa học gia, triết gia, các văn gia, nhạc sĩ, kể cả các nghệ sĩ trình diễn. Ông bàn hỏi họ về những vấn đề của Ba Lan, của nhân loại và cả những vấn đề thuộc thế giới bên kia –thế giới siêu hình"[44].

Vào năm 1972, Hồng y Karol Wojyla cũng bắt đầu một mối quan hệ với Anna-Teresa Tymieniecka, một phụ nữ Ba Lan đang làm việc tại Đại học Havard [47]. Bà đã giúp ông trở nên nổi bật, giới thiệu ông với cộng đồng triết học châu Âu, với các học giả Mỹ. Bà đã giúp vạch kế hoạch cho chuyến thăm kéo dài đầu tiên của ông tới Mỹ, và thu xếp để ông có bài giảng đầu tiên tại Đại học Harvard [48]. Sau khi lên làm giáo hoàng, ông đã có một rắc rối với Tymieniecka về vấn đề bản quyền với cuốn Osoba i Czyn. Bà đã đánh giá sự im lặng của Giáo hoàng trước công luận trong cuộc tranh chấp này là một "sự phản bội" cá nhân, mặc dù bà và Giáo hoàng sau đó đã hòa giải[49].

Trong khoảng thời gian từ 1973 đến 1975, Tổng Giám mục Wojtyla đã vào phòng đọc của Giáo hoàng để nói chuyện riêng 11 lần. Vào năm 1976, Phaolô VI đã mời Wojtyla cử hành Lễ Chay (lễ Lent) tại Vatican cho các thành viên của Tòa thánh và gia đình Giáo hoàng. Cũng trong năm này, tờ "Thời báo New York" đã đặt ông vào danh sách 10 người được nhắc tới nhiều nhất như là các ứng cử viên để kế tục Phaolô VI[50].

Vào tháng 8 năm 1978, sau khi Giáo hoàng Phaolô VI mất, ông đã tham gia Hồng y đoàn chọn Albino Luciani, Hồng y Tổng Giám mục của Venezia làm Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Khi được chọn làm giáo hoàng, Luciani chỉ 65 tuổi, trẻ so với nhiều giáo hoàng khác. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ 33 ngày sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Gioan Phaolô I qua đời. Vào tháng 10 năm 1978 Hồng y Wojtyła trở về lại Tòa Thánh để bầu giáo hoàng mới.

Trở thành Giáo hoàng

Công bố tân giáo hoàng Gioan Phaolô II tại ban công Tòa thánhHuy hiệu của giáo hoàng Gioan Phaolô II có chữ M, tức chữ "Mary" (Đức Maria) cho thấy được tầm quan trọng của Mẹ Maria trong đời sống thiêng liêng của ông.

Lúc 16:30 ngày thứ bảy 14 tháng 10 năm 1978, sau khi cử hành Lễ kính Chúa Thánh Thần tại Ðền thờ Thánh Phêrô vào ban sáng, 111 vị Hồng y từ khắp thế giới bước vào Mật Viện, để bầu Giáo hoàng mới. Hôm sau các Hồng y bắt đầu bỏ phiếu: ban sáng hai lần, ban chiều hai lần. Bốn lần bỏ phiếu ngày 15 tháng 10 năm 1978, không có kết quả nào cụ thể. Các Hồng y người Ý chiếm đa số, nhưng các ông không đồng ý với nhau về một "ứng cử viên duy nhất", lúc đó là Hồng y Giuseppe Siri, Tổng Giám mục Genova, người đã được báo chí nói đến từ lâu và được coi như "ứng cử viên" chắc chắn hơn cả. Vị khác là Hồng y Giovanni Benelli, Tổng Giám mục Firenze, đã nhiều năm phục vụ tại Phủ quốc Vụ Khanh, có nhiều kinh nghiệm trong Ngành Ngoại giao và công việc của Giáo Triều Roma[51].

Sáng thứ hai 16 tháng 10 năm 1978, với hai lần bỏ phiếu, các Hồng y vẫn chưa chọn được Vị Giáo hoàng mới. Tên của Tông Giám mục Cracovia đã nhận được nhiều phiếu hơn cả vào lúc 17:30, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu, vào chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978. Sau khi kiểm xong các lá phiếu, Vị Hồng y nhiếp chính (trong thời kỳ trống ngôi) lại gần Vị được chọn, chào kính, đặt câu hỏi theo lễ nghi: "Ngài có chấp nhận việc lựa chọn Ngài hay không?". Trong cầu nguyện và yên lặng suy tư, Karol Wojtyla chưa trả lời ngay. Mọi người chờ đợi và thấy ông cảm động, nước mắt chảy trên gò má. Sau cùng, với giọng rõ ràng và nghiêm nghị, ông trả lời: "Vì Chúa Kitô của tôi, vì Ðức Trinh Nữ, Mẹ của tôi, vì tôn trọng Tông Hiến của Ðức Phaolô VI mời gọi, tôi xin chấp nhận."

6 giờ 18 phút, hồng y phó tế Tisserant tuyên bố: "Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hồng y đoàn đã tín nhiệm Hồng y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Kraków, Ba Lan, vào ngôi vị giáo hoàng của thế giới Công giáo". Ông đã được bầu để kế vị Gioan Phaolô I, trở thành Giáo hoàng từ ngoài nước Ý đầu tiên trong gần 500 năm và là vị giáo hoàng gốc người Slav đầu tiên trong lịch sử Công giáo.

Vị tân giáo hoàng giơ tay chào dân chúng. Trước khi ban phép lành Urbi et Orbi, ông mở đầu: "Sia lodato Gesù Cristo" Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô: lời chào người dân công giáo Ý rất ưa chuộng. Ông nói tiếp:

Chúng ta còn đang đau buồn về cái chết của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhất (dân chúng vỗ tay). Và lúc này đây các Vị Hồng y đáng kính đã chọn một Vị Giám mục mới của Roma. Các ngài đã chọn một vị đến từ một xứ sở xa xôi, xa xôi, nhưng luôn luôn gần gũi bởi sự hiệp thông đức tin và trong truyền thống Kitô. Tôi run sợ trong khi lãnh nhận việc lựa chọn này, nhưng tôi đã chấp nhận trong tinh thần phục tùng Chúa chúng ta Ðức Giêsu Kitô và trong tinh thần phú thác hoàn toàn cho Mẹ Người, Ðức Trinh Nữ Maria.

Tôi không biết tôi có thể biểu lộ rõ ràng bằng tiếng nói của anh chị em không... bằng tiếng Ý của chúng ta không" (lại một tràng pháo tay dài nữa của dân chúng). Mối thiện cảm giữa Vị Giáo hoàng mới và dân chúng gia tăng thêm mãi. "Nếu tôi nói sai, anh chị em sửa lại cho tôi. Và giờ đây hiện diện trước mọi người để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, đức cậy và lòng tín nhiệm của chúng ta nơi Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội và cũng để bắt đầu lại trên con đường của lịch sử và của Giáo hội với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và của Giáo hội.

— Giáo hoàng Gioan Phao-lô II

Như giáo hoàng trước ông, Gioan Phaolô II đã đơn giản hóa chức vụ này và làm nó bớt huy hoàng. Ông không tự xưng là "chúng tôi" như các giáo hoàng trước; thay vào đó ông dùng "tôi". Ông chọn làm một lễ tấn phong đơn giản chứ không rườm rà, và ông chưa đội mũ giáo hoàng trong khi đảm nhiệm. Ông làm thế để nhấn mạnh tên chức vụ hầu hạ của mình là tôi tớ của những người tôi tớ của Chúa (Servus Servorum Dei).

Sáng ngày 17 tháng 10, ông đã trình bày chiến lược của ông: trung thành với công đồng và các hội đoàn. Gioan Phaolô II đã kiên quyết khẳng định việc phải tuân thủ lời răn dạy của giáo hoàng, tôn trọng các luật lệ về nghi lễ cũng như về kỷ luật. Sau cùng, ông nhấn mạnh đến nhu cầu tiến hành cuộc đối thoại trên phạm vi toàn thế giời và cam kết của Giáo hội với hòa bình và công lý trên thế giới[52].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_hoàng_Gioan_Phaolô_II //nla.gov.au/anbd.aut-an35879484 http://www.aijac.org.au/ http://www.aijac.org.au/?id=articles&_action=showA... http://www.cbc.ca/news/obit/pope/communism_homelan... http://europeanhistory.about.com/od/religionandtho... http://ngonnennho.blogspot.com/2005/04/c-thnh-cha-... http://ngonnennho.blogspot.com/2005/04/i-nt-tm-tt-... http://ngonnennho.blogspot.com/2005/04/mt-vi-con-s... http://www.brainyquote.com/quotes/authors/p/pope_j... http://articles.chicagotribune.com/ng%C3%A0y